Giới tính và tác giả Alexiad

Nghi vấn về tác giả

Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc cuốn Alexiad có đúng là do chính Anna Komnene viết nên hay không, với một học giả nói rằng nguyên văn tác phẩm cung cấp rất ít nhận xét có gợi ý đến giới tính của tác giả hay bất kỳ khía cạnh nào khác trong xuất thân của họ, ngoài một vài đề cập rõ ràng.[12] Điều này đã khiến một số học giả lập luận rằng Alexiad không phải do một người phụ nữ viết ra mà là bởi một tác giả nam khác.[13][14] Niềm tin này, được Howard-Johnston đưa ra, tập trung chủ yếu vào các đoạn văn quân sự của Alexiad, và cho thấy rằng Anna chỉ làm mỗi công việc biên soạn từ những bản ghi chú ngoài chiến trường của chồng mình, do đó Howard-Johnston cho đổi tên tác phẩm thành "Alexiad của Nicephoros".[15]

Tuy vậy, phần lớn đều đồng ý rằng Anna Komnene mới chính là tác giả. Những lời đề cập cụ thể trong sách về sự đính hôn của bà, vai trò của bà với tư cách là một người vợ và phần bình luận về sự khiêm tốn của nữ giới có sức ảnh hưởng đến tác phẩm của bà đã khiến tác giả Alexiad "khó có thể nào nhầm lẫn được" đúng là của Anna, theo một số người cho biết.[16] Bà chắc hẳn đã viết về các vấn đề quân sự, vì có thể được tháp tùng theo chân phụ hoàng trong các chiến dịch quân sự.[17] Nhiều học giả tin rằng chi tiết tuyệt vời về đời sống gia đình và phong cách nhà binh của phụ hoàng, kết hợp với những kinh nghiệm cá nhân của riêng bà và phần đề cập đậm chất nữ tính, cung cấp một trường hợp rõ rệt cho tác giả quyển Alexiad là của bà.

Đại diện giới tính

Trong Alexiad, Anna Komnene miêu tả sinh động các định kiến ​​về giới tính theo một cách duy nhất. Giống như những người tương nhiệm nam của mình, bà mô tả đặc điểm phụ nữ theo khuôn mẫu điển hình, như "dễ khóc lóc và trở nên hèn nhát khi gặp nguy hiểm".[18] Tuy thế, bất chấp điều này, phụ nữ trong Alexiad chẳng bao giờ khóc, ngoại trừ đám tang của Alexios, mà sự đau buồn là phản ứng văn hóa phù hợp.[19] Tương tự như vậy, không một nhân vật nữ nào lại hành động một cách hèn nhát.[20] Bà chỉ ra giới tính của mình bằng một cách tương tự khi nhắc đến những giọt nước mắt của mình trong lúc đang viết một số sự kiện. Thế nhưng, ngay lập tức, bà thông báo cho độc giả rằng bà sẽ ngừng khóc để trở lại đúng với nghĩa vụ viết sử của mình, một tình tiết mà bà đã lặp lại hai lần trong phần kể chuyện.[21] Bằng cách làm như vậy, bà đã thể hiện mong muốn kiểm soát các khía cạnh thuộc về nữ tính vì nền văn hóa của mình.[22] Nói chung, Anna quan tâm đến chính bản thân bằng trí tuệ, mà bà quy cho cả nam lẫn nữ, và cho phép phụ nữ tích cực thoát khỏi vai trò giới tính về mặt xã hội trong Alexiad.[23] Thái độ cá nhân của bà, cùng với sự thiếu vắng các nguồn tài liệu có thể sánh được từ các tác giả nữ cùng thời, tất cả đã khiến cho Alexiad được một số người coi là nguồn sử liệu nghèo nàn để sử dụng khi đưa ra đánh giá mức độ trung bình của phụ nữ tại Byzantium cảm nhận về cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất.[12]

Giới tính và văn phong

Phong cách viết sử của Anna Komnene hơi khác thường là do giới tính của bà. Cách viết này đáng lưu ý ở chỗ là nó bao gồm cả thiên lịch sử về những hành động của phụ hoàng trong cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất và những phản ứng của bà đối với một số sự kiện này. Những ý kiến ​​và bình luận của Anna về các sự kiện đặc biệt trong một văn bản lịch sử khác được cho là do giới tính của bà cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.[13] Sự giải thích về các dữ kiện lịch sử của bà được biết đến như một bộ sách "lịch sử giới tính",[24] có nghĩa là cả lịch sử của Alexos và của chính Anna đều thông qua văn phong đặc biệt của tác phẩm, điều này không thấy ở các tác giả nam. Trong lúc sử gia người Anh nghiên cứu về thời La Mã cổ đại Edward Gibbon đã thấy chuyện kể này "mang đậm nét giới tính" để lộ ra "trong từng trang sách thói kiêu căng của một nữ tác giả",[25] với một số học giả đồng ý với ông,[26][27] các học giả khác cho rằng văn phong này chỉ có thể là của người thầy thông thái Mikhael Psellos từng dạy Anna hồi nhỏ.[28] Một số khác còn đi xa hơn nữa khi đưa ra giả thuyết là Anna đã sử dụng cuốn biên niên sử Chronographia của Psellos làm kiểu mẫu cho cách thức kể chuyện của riêng mình trong bộ sử Alexiad và mang đậm văn phong của thầy mình hơn nữa, gợi ý rằng đó không phải là do giới tính của bà mà là ảnh hưởng của bà, đã dẫn đến kiểu văn phong này trong toàn bộ tác phẩm.[29]

Anna Komnene được coi là dị thường trong thời đại của bà về tính mãnh liệt mà bà kết hợp với lối kể chuyện và cảm xúc của riêng mình,[30] dù bà không đề cập đến tất cả các chi tiết cá nhân, như trên thực tế là bà có tới bốn đứa con.[31] Đối với một số người, sự kết hợp không bình thường của loại văn phong này với việc thiếu thông tin cá nhân, về mặt giới tính được hòa hợp bởi sự thiếu vắng các lý tưởng nữ quyền hiện đại, mà không cần quan tâm đến việc đặt câu hỏi về địa vị xã hội của bà bằng cách kể chuyện của bản thân mình, mặc dù mô tả của bà về phụ nữ không phù hợp với các tác giả nam sống cùng thời.[32] Thay vào đó, văn phong của Anna có thể được hiểu rõ từ hệ thống đức tin của bà là trí thông minh và tính tao nhã làm triệt tiêu giới tính về tầm quan trọng, và do đó Anna không xem bộ sử của mình nhằm vượt qua bất kỳ vai trò giới tính nào cần thiết.[23]